12 năm chuẩn bị của Qatar bắt đầu được kiểm nghiệm khi ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới khai mạc ngày 20/11.
Là giải đấu với nhiều "lần đầu tiên", bên cạnh tham vọng từ chủ nhà, không ít những chỉ trích đã nhắm vào kỳ World Cup năm nay, liên quan đến những lo ngại về chính sách kiểm soát chặt chẽ của Qatar có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của người hâm mộ khi đến xem những trận đấu tại World Cup.
Mới nhất, chủ nhà đã vấp phải làn sóng trái chiều khi bất ngờ lật lại quyết định bán bia quanh các sân vận động, điều mà họ đã đồng thuận trước đó với Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) và hãng bia độc quyền để được bán ở những địa điểm được chỉ định, CNN cho hay.
Bỏ ngoài những tranh cãi, giải đấu dự kiến mang lại doanh thu kỷ lục cho FIFA, và nhiều khả năng vượt qua doanh thu 5,4 tỷ USD trong World Cup 2018. Tổng cộng 3,6 tỷ người đã theo dõi kỳ World Cup gần nhất trên đất Nga.
Lần đầu cho Trung Đông
Trong lịch sử 92 năm của World Cup, đây là lần đầu tiên giải đấu được tổ chức ở một quốc gia Trung Đông, biến World Cup 2022 thành sự kiện thể thao lớn nhất được tổ chức tại khu vực.
Khác với những vòng chung kết World Cup trước đây, được tổ chức trải dài trên nhiều thành phố, toàn bộ trận đấu năm nay đều cách trung tâm thủ đô Qatar 50 km. Điều này đồng nghĩa với việc Doha trong một tháng tới sẽ tiếp nhận hơn 1 triệu người hâm mộ trên thế giới, bằng một phần ba dân số toàn nước này.
Một điểm khác với truyền thống là World Cup năm nay được tổ chức vào tháng 11-12, thay vì vào mùa hè như thường lệ, nhằm tránh cái nóng tại Qatar. Song, điều này cũng khiến lịch trình giải đấu cấp câu lạc bộ ở châu Âu thay đổi, và nhiều tuyển thủ lo ngại về chấn thương và thể lực.
Bữa tiệc cho cổ động viên
Gần 3 triệu vé theo dõi các trận đấu đã được bán hết vào giữa tháng 10. FIFA cho biết cổ động viên từ các quốc gia Trung Đông khác như Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là những người mua nhiều vé nhất, theo Bloomberg.
Diện tích nhỏ của Qatar đặt ra thách thức cho ban tổ chức, buộc chủ nhà phải biến nhiều du thuyền, căn hộ hay lều sa mạc thành chỗ ở cho cổ động viên.
Kế hoạch là cung cấp 130.000 phòng, nhưng nhiều khách sạn vẫn chưa hoàn thành kịp thời gian khởi công. Các căn hộ ở những khu dân cư xa xôi đặt ra câu hỏi về việc người hâm mộ sẽ tận hưởng trải nghiệm này đến mức nào.
Qatar cũng đã nhờ các nước láng giềng giúp đỡ. Gần 100 chuyến bay khứ hồi hàng ngày giữa Doha và các thành phố lớn khác ở Trung Đông sẽ cho phép du khách lưu trú bên ngoài quốc gia vùng Vịnh này.
Ban tổ chức nói quy mô nhỏ là một đặc điểm, không phải hạn chế, khi điều này cho phép người hâm mộ theo dõi được nhiều trận đấu trong một ngày. Các sân vận động sẽ được kết nối với các phương tiện công cộng, bao gồm hệ thống metro mới xây và xe buýt điện.
Khoản tiền khổng lồ
Xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là một nhân tố chính khiến quốc gia nhỏ ở Trung Đông giàu có, với Qatar là một trong những mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới.
Nhờ giá dầu tăng mạnh, quốc gia này đang tận hưởng một năm bội thu và dự kiến tạo ra thặng dư trị giá 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo S&P Global Rating.
Đây cũng là kỳ World Cup đắt đỏ nhất trong những năm qua. Với số tiền bỏ ra để xây dựng sân vận động cùng nâng cấp hạ tầng, chi phí cho World Cup 2022 của Qatar vượt xa 7 kỳ World Cup gần nhất cộng lại, theo thống kê từ Statista.
Khoản chi tiêu này bao gồm khoảng 45 tỷ USD cho việc xây dựng Lusail, một khu đô thị lớn ở phía bắc Doha, nơi vẫn còn là sa mạc vào năm 2010. Ước tính Lusail là nơi sinh sống của khoảng 200.000 người sau khi hoàn tất xây dựng.
Ngoài ra, khu đô thị mới, bao gồm một đảo nhân tạo sầm uất, được xây quanh sân vận động Lusail, nơi diễn ra trận chung kết World Cup.
Câu chuyện địa chính trị
Trong khi các quan chức Qatar đang hy vọng rằng sự kiện này sẽ thu hút thiện chí toàn cầu của người hâm mộ bóng đá, thì những cân nhắc về địa chính trị cũng không kém quan trọng.
Qatar nằm trong khu vực với nhiều biến động chính trị, với quan hệ giữa các nước Trung Đông thường căng thẳng. Năm 2017, Saudi Arabia, UAE, Ai cập và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và du lịch với Qatar, cáo buộc nước này tài trợ cho khủng bố và quá thân với Iran. Căng thẳng tạm hạ nhiệt khi Mỹ làm trung gian hòa giải và nối lại quan hệ các bên vào đầu năm 2021.
Theo một số nhà phân tích, World Cup mang đến cho Qatar cơ hội thể hiện mình trên trường quốc tế, và điều này có thể ngăn các mối đe dọa trong tương lai. Ngoài ra, tổ chức một sự kiện lớn dù quy mô diện tích nhỏ cũng có thể mang lại uy tín cho Qatar trên trường quốc tế.
Bài toán hậu World Cup
Các quan chức Qatar hy vọng rằng cơ sở hạ tầng được phát triển như một phần trong quá trình chuẩn bị cho World Cup sẽ hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế phi năng lượng của đất nước, ngay cả khi chưa chắc chắn về một kế hoạch sử dụng các sân vận động vừa được xây mới.
Dù nhu cầu nhập LNG đang cao, các nước châu Âu đang dần giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Việc có động lực để phát triển hạ tầng của Qatar cũng có thể thu hút du lịch và nâng cao sản xuất.
Chính phủ kỳ vọng có thể thúc đẩy kinh tế tri thức và chú trọng dịch vụ sau kỳ World Cup, song triển vọng tăng trưởng sau ngày hội bóng đá này vẫn chưa rõ ràng.
Trần Hoàng | 06:00 20/11/2022