Qatar: Điển hình tiên tiến của vùng Vịnh

TTCT - Bất chấp những chỉ trích đủ kiểu từ phương Tây, thường là đậm màu chính trị, Qatar thực ra là một trong những quốc gia tiến bộ nhất ở vùng Vịnh.

Ngày chủ nhật 24-10-1971, đại sứ Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) tại Kuwait cuống quýt chạy lên chạy xuống Manhattan ở New York, nơi Liên Hiệp Quốc đặt trụ sở, để tìm gặp lại ba người bạn mới quen. Đó là ba vị đại diện các tân quốc gia Qatar, Bahrain và Oman, vừa độc lập và gia nhập Liên Hiệp Quốc tháng trước.

Qatar: Điển hình tiên tiến của vùng Vịnh - Ảnh 1.

Là chuyên gia vùng Vịnh, vị đại sứ Đài Loan được cử sang New York để níu áo ba đồng nghiệp mới bổ nhiệm, tranh thủ họ trong cuộc bỏ phiếu tại đại hội đồng ngày thứ hai 25-10 về quyết định công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). 

Trên nguyên tắc, ba quốc gia tân lập này đã đồng ý ủng hộ Đài Bắc và chống Bắc Kinh. Nhưng cuối tuần đó, đại sứ Đài Loan không cách nào liên lạc lại với họ được.

Tới thứ hai, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 2758 nổi tiếng trục xuất Đài Loan và công nhận Trung Quốc với 76 phiếu thuận, 35 phiếu chống và 17 phiếu vắng mặt. Trong 17 nước vắng mặt có Qatar, Bahrain và Oman. 

Trong khi đại sứ Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc thổn thức khóc và ôm lá cờ "thanh thiên bạch nhật" ra đi, thì cùng lúc đó, cách trụ sở Liên Hiệp Quốc 50km, tại một thị xã Mỹ nổi tiếng bán hàng rẻ, ba vị tân đại sứ đang lo mua sắm dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ tận tình của nhân viên ngoại giao Liên Xô! 

Hóa ra cuối tuần đó ba vị đại sứ được mời đi chơi xa, rằng là việc bầu bán tại Đại hội đồng đã hoãn, quý vị cứ yên tâm mua xiêm y cho phu nhân miền sa mạc để che gió che cát.

Ai cũng biết, trong thập niên 1970, giới ngoại giao Liên Xô ở nước ngoài là chuyên gia mua hàng rẻ mang về nước. 

Đến tận năm 1992, tình cờ ghé ngang phi cảng Paris, tôi còn ngạc nhiên thấy một dãy người sắp hàng dài cả trăm cái va li bằng vải nhựa loại đặc trưng ca rô đỏ giá 10 USD một cái. Đó là chuyên cơ chở Tổng thống Nga Boris Yeltsin và phái đoàn sang thăm Pháp sắp về.

Qatar: Điển hình tiên tiến của vùng Vịnh - Ảnh 2.

Hoàng hậu Moza của Qatar là một nhân vật tích cực hoạt động chính trị, chứ không như phần lớn các phụ nữ hoàng tộc khác ở vùng Vịnh. Ảnh: Wikipedia

Khéo léo trên dây

Tua nhanh đến ngày 30-1-2012, tức 41 năm sau ngày độc lập, Qatar từ một đồi cát lở về hướng biển trở thành quốc gia năm này giàu nhất, năm kia giàu nhì thế giới theo sản lượng bình quân. Truyền thông Tây phương nhân dịp vương hậu Moza bin Nasser nước Qatar sang thăm Mỹ bèn bịa ra là bà này cùng phu nhân Obama vào cửa hàng Agent Provocateur mua 50.000 USD đồ lót. 

Đây là tin bịa, nhưng như thành ngữ Pháp "Người ta chỉ cho người giàu mượn tiền", tức là dân nghèo thì chẳng ai buồn phao tin: làm gì có báo nào phao tin vợ bé của sứ quân Somalia Mohamed Farah Aidid sang Mỹ đi mua nội y cùng với bà Hillary Clinton chẳng hạn.

Khi giàu thì người ta cần sang, và Qatar có tiền bèn vẽ chuyện. Ngày 2-12-2010 tại Zurich (Thụy Sĩ) có năm quốc gia đăng ký dự thi tổ chức giải bóng đá World Cup 2022. Bốn nước kia là Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. 

Phái đoàn Hoa Kỳ mang theo cả cựu tổng thống Bill Clinton để ông này cười duyên với Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Nhưng FIFA trao quyền tổ chức cho Qatar - quốc gia tí hon chỉ 2,8 triệu dân. 

Đây là lần đầu World Cup được tổ chức tại một nước Trung Đông, Ả Rập và Hồi giáo, mà bấy giờ mới có ba sân bóng đá, và mùa hè trời nóng ngút khói đến 40-45oC trên bãi cỏ.

Nếu bạn đến Qatar thì anh công an cửa khẩu đóng dấu trên sổ thông hành là người Pakistan. Tài xế taxi đưa bạn về khách sạn là người Ấn Độ. An ninh bảo vệ tại đó là người Nepal. Lễ tân là người Philippines. Lau dọn là người Bangladesh. Phục vụ nhà hàng là người Ai Cập và quản lý là người Libăng. 

Người nước ngoài chiếm 37% dân số Saudi Arabia và 80% ở UAE nhưng tại Qatar là kỷ lục thế giới: 89% dân số và 95% lực lượng lao động. Bạn muốn gặp người Qatar thì đừng sang… Qatar, hãy đi ăn trưa ở nhà hàng Em Sherif ở trung tâm mua sắm hạng sang Harrod’s tại London thì khả năng gặp họ sẽ cao hơn. Đây là nói thật, không phải nói đùa. 

Ngay quân đội Qatar cũng sử dụng người nước ngoài, binh sĩ Pakistan và phi công Anh quốc, với chuyên gia Pháp. Đây là nơi Pháp có nhiều ảnh hưởng nhất tại vùng Vịnh, là nước bán cho Qatar vũ khí, xe tăng, máy bay và cả đội bóng Paris Saint Germain.

Độc lập và tiến bộ

Một đặc điểm của Qatar là chính sách ngoại giao độc lập của tiểu quốc. Thay vì chỉ hoàn toàn dựa vào mẫu quốc cũ là Anh và phụ thuộc vào Hoa Kỳ như Saudi, Qatar vờn cả Đức, Pháp, vì em đẹp em có quyền. 

Trong khu vực, tiểu vương quốc này ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, Syria, Iraq và Lybia; cũng như tổ chức Hamas tại Palestine, tức là ngược đường lối của Mỹ.

Nhưng ngay tại Qatar vẫn có căn cứ không quân Hoa Kỳ Al Udeid, nơi đặt chỉ huy sở của Bộ chỉ huy Trung phần (Centcom) Mỹ và căn cứ quân sự Hoa Kỳ lớn nhất Trung Đông. Năm 2017, bè nhóm Saudi hùa nhau phong tỏa Qatar về tội dám thân với kẻ thù truyền kiếp của họ là Iran. 

Qatar chỉ có biên giới đất liền với một nước là Saudi, nhưng cũng chỉ cách bờ biển Iran 100km. Cô lập Qatar là đẩy họ vào vòng tay râu ria của Iran thôi, chứ làm sao họ chết được. Khi Saudi hầm hè biên giới thì Thổ Nhĩ Kỳ gửi 5.000 quân sang Qatar để bảo vệ. Ngay Hoa Kỳ cũng phân vân không dám bênh thứ thiếp Saudi, khiến quan hệ Saudi - Mỹ từ đó lạnh nhạt.

Qatar nói riêng và các tiểu quốc vùng Vịnh nói chung với số lớn quần chúng ngoài khu vực Trung Đông có thể điển hình cho cái gọi là Ả Rập: vài nước tí hon giàu xổi nhờ tài nguyên dầu khí từ đầu thế kỷ 20, leo từ lưng lạc đà xuống Lamborghini, vợ trước vợ sau, vợ tả vợ hữu và ăn xài bạt mạng. 

Hình ảnh này không được chính xác, vì văn minh Ả Rập không phải là cái phần nhỏ sa mạc đó, mà là những đế chế vĩ đại vắt ngang khắp Á - Âu - Phi. Năm 732, đế chế Ả Rập mở rộng tới tận Poitiers giữa nước Pháp ngày nay. 

Năm 751 họ chặn nhà Đường ở Talas (Trung Quốc gọi là Đát La Tư), không xa nơi nhà thơ Lý Bạch chào đời. Cho nên người Ả Rập không có gì để tự hào đặc biệt về vùng Vịnh, Saudi hay Qatar. Nói ví von, nếu vỏ sò tự nhiên đâm ra có giá ngang với vàng thì ba làng chài xa xôi ở Việt Nam bốc lên có được ngưỡng mộ không?

Năm 1950, dân số Qatar có 25.000 người. Khi độc lập năm 1971 và gửi đại sứ sang Liên Hiệp Quốc như nói đến ở trên thì tăng thành 108.000 người. Một xã trưởng chuyên đi cướp lưới cá của làng bên cạnh được Anh quốc phong vương. 

Các tiểu quốc dầu mỏ phát triển như vũ bão những thập niên đầu dựa trên giáo viên Ai Cập, kỹ sư Iraq và bác sĩ Palestine. Con cái họ muốn đến trường thay vì chăn cừu thì phải sang Libăng học. Nhưng ba đời vương tại Qatar đều là dạng tiến bộ tương đối so với khu vực.

Năm 1995, khi vương Khalifa không còn đủ tiến bộ, ông bị con trai cho về hưu non. Vị này, vương Hamid, là người hiện đại hóa Qatar và tự nguyện truyền ngôi cho con là vương Tamim năm 2013. 

Qatar cũng là tiểu vương quốc vùng Vịnh có tổ chức bầu cử quốc hội năm 2021, phụ nữ được quyền bỏ phiếu và có 29 cô bà ra ứng cử, dù không ai trúng cử. 

Vương hậu Moza đã nhắc đến ở trên là người lăng xăng nhiều việc và hay xuất hiện đây kia, cho thấy một hình ảnh phụ nữ Ả Rập thức thời hơn ở vùng Vịnh, vì nào ai biết vợ của thái tử Saudi MBS ra sao, hay vợ vương Abu Dhabi MBZ là bà nào. 

Nhưng cũng vì thế mà bà Moza này được dư luận truyền thống tại các nước trên gán cho một vai dạng Từ Hi Thái hậu, chuyên giật dây điều khiển các con rối là chồng và con trai.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, kệ tôi, mấy người có được tổ chức World Cup không?■

Quyền lực mềm và xuất sắc nhất của Qatar là đài thông tin Al Jazeera thành lập năm 1996. Al Jazeera là đài thông tin Ả Rập uy tín nhất thế giới. Đài này khiến phe Saudi phải thành lập đài cạnh tranh Al Arabiya năm 2002, nhưng không theo kịp: số khán - thính - độc giả chỉ bằng 1/7 theo các thăm dò. Tại các nước Ả Rập, Al Jazeera là đài được 50% quần chúng theo dõi. Năm 2006, đài bắt đầu có chương trình tiếng Anh. Năm 2018 là chương trình tiếng Hoa và trở thành một thế lực truyền thông cả bên ngoài khu vực Ả Rập, thậm chí có thể nói là toàn cầu. Al Jazeera bị có nơi vu vơ là ủng hộ khủng bố, bên kia lại đổ tội là nằm vùng cho Tây phương và Israel, nhưng có ra sao thì thành công của họ vẫn sáng chói và không bên nào theo kịp. Nó phản ánh cái khôn khéo lắt léo của vương quốc tí hon trong một khu vực nhiễu nhương.

Theo dõi các thông tin bóng đá mới nhất với Bongdaa.com

Luôn cập nhật tất cả tin tức và trận đấu mới nhất về World Cup trên các nền tảng kỹ thuật số của bongdaa.com

Qatar: Điển hình tiên tiến của vùng Vịnh

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn